Một người bình thường tiếp nhận từ 30.000 đến 40.000 thông tin Marketing mỗi ngày. Vậy làm thế nào để người tiêu dùng nhớ đến bạn? Câu trả lời là thông điệp truyền thông - một chiếc chìa khóa mở cửa ngõ nhận thức người tiêu dùng, để các thông tin Marketing của bạn tiếp cận nhận thức của họ. Bài viết này sẽ cho bạn thấy cái nhìn tổng quan về thông điệp truyền thông.
1. Nhận diện thông điệp truyền thông:
Thông điệp truyền thông là thông điệp mà một nhãn hàng/tổ chức muốn truyền tải đến người dùng/công chúng mục tiêu. Thông điệp truyền thông thường gắn liền với tầm nhìn và sứ mệnh của thương hiệu. Thông điệp thường gắn với tên nhãn hàng để phục vụ mục đích quảng cáo, khác hẳn với thông điệp tiếp thị nội dung. Ví dụ: Diana - Là con gái thật tuyệt.
Thông điệp truyền thông cũng dùng phục vụ những mục đích chính trị, xã hội.
Nguyên tắc của thông điệp truyền thông:
1. Đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ: "Just do it" của Nike, Nokia và thông điệp "Connecting People" đã luôn khiến người dùng phải nhớ đến.
2. Chân thật, đáng tin cậy, chính xác: có thể thấy rằng những thông điệp truyền thông như: "Máy lọc nước Kangaroo, máy lọc nước hàng đầu Việt Nam", "Thật không thể tin nổi" của Bphone không gây được nhiều thiện cảm cho người dùng vì vi phạm nguyên tắc này.
3. Từ ngữ phổ thông nhất: "Chu đáo tin cậy, 77 hàng Đào" trong bài trước của Blog Tiếp thị nội dung thực hiện đúng nguyên tắc này.
4. Hấp dẫn, bắt mắt để tạo và duy trì hứng thú của đối tượng:
Một biển quảng cáo bắt mắt người dùng của Subway
5. Phải liên quan đến chủ đề cần truyền thông, hành vi cần thay đổi: Biển quảng cáo ở ví dụ 4 rất thu hút ánh nhìn người dùng nhưng thông điệp chính cần truyền tải đến người dùng lại không nằm ở trọng tâm của biển quảng cáo. Người dùng lướt qua, bị thu hút và cảm thấy thú vị nhưng chưa đạt đến mức thuyết phục, thôi thúc người dùng dùng bữa tại Subway.
6. Phù hợp với văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của đối tượng: Điều này rất quan trọng. Ví dụ rất đơn giản về màu sắc, các nền văn hóa khác nhau có quan niệm về màu sắc khác nhau: ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, màu đỏ tượng trưng cho sự sung túc, may mắn và hạnh phúc thì ở châu Phi, màu đỏ lại tượng trưng cho sự tang tóc, nỗi buồn. Các thiết kế để truyền tải thông điệp truyền thông nên lưu ý kỹ điều này.
7. Tác động vào những trạng thái tâm lý khác nhau của đối tượng (gây lo sợ, lạc quan, vui vẻ, tin tưởng...)
2. Phân loại thông điệp truyền thông
a. Phân loại đơn giản nhất là theo giọng điệu
Để tác động vào các trạng thái tâm lý khác nhau của đối tượng, thông điệp thường có những giọng điệu như dưới đây với ví dụ sản phẩm là bao cao su:
Giọng điệu mang tính thông tin: “Dùng bao cao su để phòng tránh thai và các bệnh lây qua đường tình dục”
Giọng điệu đe dọa: “Nếu không sử dụng bao cao su, bạn sẽ dễ dàng nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục”
Giọng điệu khích lệ: “Nếu bạn sử dụng bao cao su, bạn là người có trách nhiệm với người bạn yêu”
Giọng điệu khôi hài: “Bạn không muốn cuộc tình kết thúc ở "Nơi tình yêu bắt đền"? Hãy dùng bao cao su"
b. Phân loại theo mục đích
Mục đích chính trị xã hội: tuyên truyền để thay đổi hành vi của công chúng. Chẳng hạn như "Bầu cử là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân" hay "Mỗi gia đình 2 con, gia đình hạnh phúc"
Mục đích thương mại: định vị được một cái tên/nơi (sản phẩm/ dịch vụ/ thương hiệu) trong tâm trí của khách hàng". Chẳng hạn như "Enchanteur - sự lôi cuốn tuyệt diệu", "Kẹo sữa Mikita được làm từ sữa" (một thông điệp thành công về sức Viral nhưng không được đánh giá cao về mặt chuyên môn)
3. Thông điệp truyền thông thường xuất hiện ở đâu?
Thông điệp truyền thông thường được phân bố rộng rãi, phủ ở tất cả các kênh. Mỗi chiến dịch truyền thông đều diễn ra với việc kéo thông điệp xuất hiện trên nhiều kênh nhất có thể trong khả năng tài chính cho phép. Bạn có thể thấy thông điệp truyền thông trên các sản phẩm truyền thông online lẫn offline.
Thông điệp truyền thông có độ phủ rộng trên rất nhiều kênh
Online: Các banner quảng cáo trên các trang mạng, các pop-up chạy quảng cáo mỗi khi lỡ bấm nhầm link trên Internet, giao diện các email spam bạn,...
Offline: Các tấm Pano lớn ngoài trời, các poster, tờ rơi, mẩu quảng cáo trên báo, một đoạn video quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh, trên đồng phục nhân viên một nhãn hàng, biển hiệu chuỗi cửa hàng của họ,...
4. Lưu ý cơ bản nhất về thông điệp truyền thông:
Tóm lại, điều quan trọng nhất của một thông điệp truyền thông là luôn rõ ràng, giúp công chúng mục tiêu hiểu cùng đúng một ý nghĩa mà thương hiệu/tổ chức truyền tải, không gây nhầm lẫn.
Đặc biệt nếu thông điệp truyền thông mang tính chất thương mại thì phải làm cho người dùng nhớ tên thương hiệu. Tránh việc định vị thương hiệu của mình là tốt nhất thông qua các thông điệp truyền thông vì dễ gây phản cảm cho công chúng. Hẳn bạn đọc còn nhớ thông điệp "Thật không thể tin nổi" của Bphone đã từng gây bão bàn luận trên các kênh Social cách đây không lâu. Người dùng có thể nhớ đến bạn qua cách làm đó nhưng kèm theo đó là ấn tượng không tốt, khó giữ gìn được hình ảnh đẹp của thương hiệu trong con mắt người tiêu dùng.
Bphone với thông điệp "Thật không thể tin nổi" gây bão trên mạng xã hội một thời
Cũng tránh dùng những từ ngữ khó định lượng trong thông điệp truyền thông như: "Giày Y - Giày dành cho những người đẳng cấp". Đẳng cấp ở đây là đẳng cấp gì? Lĩnh vực nào? Chuẩn mực nào? Có thể người dùng sẽ cảm thấy khó chịu với suy nghĩ không dùng giày đó thì là không có đẳng cấp hay sao? Cho nên, hãy luôn cẩn trọng khi đưa ra thông điệp truyền thông, bạn đọc nhé!
Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo của Blog Tiếp thị nội dung để biết sự khác nhau giữa thông điệp truyền thông và thông điệp tiếp thị nội dung nhé! Vì một chiến lược nội dung có lúc vẫn phải truyền tải cả hai loại thông điệp trên mới thật sự đạt được hiệu quả Marketing.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét