Bạn nghĩ Content Marketing chỉ dùng để làm Marketing cho doanh nghiệp? Bài viết này có lẽ sẽ làm bạn mở rộng quan điểm hơn về Content Marketing và ứng dụng của nó.
Bạn nghĩ khi viết một nội dung tiếp thị, điều cần chú ý nhất là gì? Với tôi thì điều quan trọng nhất khi viết một nội dung tiếp thị là để cho người đọc cảm mến và có thể truyền tải được thông điệp ngầm ẩn đến với họ rằng họ cần mình.Tất cả những nội dung bạn phân phối đến người đọc đều phải truyền tải một thông điệp nhất quán như trên.
Viết CV cũng tương tự như viết nội dung tiếp thị. Bạn phải truyền tải đến người đọc, tức là nhà tuyển dụng thông điệp rằng họ cần bạn, nên tuyển bạn. Và đương nhiên mọi chi tiết, mọi mục trong CV của bạn phải cho thấy một câu chuyện nhất quán về bạn, nó xem như một brand content chuẩn xác về chính bạn. Đó là cả một công việc tiếp thị nội dung có chiến lược nội dung rõ ràng.
![]() |
CV nên được trình bày thành từng mục để nội dung vừa rõ ràng, vừa nhất quán |
Không phải ai cũng có thể lấp đầy nội dung của tất cả các mục trong CV: Thông tin cơ bản, mục tiêu nghề nghiệp, kỹ năng, sở thích, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các hoạt động đã tham gia, các chứng chỉ, bằng khen tích lũy được, những thông tin phụ khác. Nhưng việc làm cho những thông tin này trở nên nhất quán với thông điệp bạn muốn truyền tải thì hoàn toàn không khó khăn chút nào.
Đầu tiên hãy chắt lọc thông tin cho từng mục trong CV tôi đã nêu trên tất cả những thông tin nào liên quan đến vị trí, công việc bạn muốn ứng tuyển thôi, đặc biệt ở những mục mục tiêu nghề nghiệp, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, các hoạt động đã tham gia. Đừng tham viết dài vì thông tin thừa đưa vào có thể làm rối mất mạch câu chuyện bạn đang kể về bản thân. Chẳng hạn bạn đang ứng tuyển vị trí nhân viên kế toán thì phần kinh nghiệm làm việc chỉ nên trình bày những kinh nghiệm liên quan đến công việc kế toán. Những kinh nghiệm như từng làm nhân viên tư vấn hay bán hàng thì không cần thiết phải ghi vào, trừ khi trong đầu việc vị trí kế toán đang ứng tuyển có cả tư vấn khách hàng hoặc đàm phán/làm việc với team bán hàng.
Nếu nội dung từng mục trong CV quá ít vì bạn chỉ là sinh viên mới ra trường, có thể thêm vào những dòng chia sẻ trải nghiệm của bạn khi tham gia một hoạt động nào đó, làm một công việc nào đó: cảm nhận, bài học rút ra, những điều chưa tốt ở cách quản lý công việc và cách khắc phục. Cách bạn tư duy về vấn đề và giải pháp cho vấn đề cũng giúp nhà tuyển dụng đánh giá được khả năng của bạn. Chẳng hạn bạn có thể từng có kinh nghiệm làm đội trưởng một đội tình nguyện và bạn nêu cảm nghĩ về chiến dịch tình nguyện đó: học được gì và bất mãn điều gì, muốn cải thiện những mặt chưa tốt ở chiến dịch như thế nào.
Tóm lại, tất cả các dữ kiện trong CV của bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy một câu chuyện về hành trình đạt được mục đích bạn đã đặt ra cho cuộc đời mình, từ thái độ, cảm nhận, kinh nghiệm cho đến những việc bạn đã làm.
Hãy luôn nhớ phải giữ được sự nhất quán cho thông điệp ngầm ẩn trong CV của bạn.