Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Tổng quan về kênh Digital Marketing

Bạn được nghe nhiều về các kênh Digital Marketing: FB là 1 kênh Digital Marketing? Các ấn phẩm truyền thông là một kênh Digital Marketing? Diễn đàn là một kênh Digital Marketing?..v..v...


Không. Hoàn toàn không phải thế. Chỉ là ta thường quen miệng gọi những gì kể trên là kênh thôi chứ thực ra chúng không phải là kênh Digital Marketing. Chúng chỉ là một trong những phương tiện để thực hiện Digital Marketing thôi. Khái niệm kênh rộng hơn hẳn thế.



1. Kênh Digital Marketing là gì?


Kênh Digital Marketing là tập hợp những phương tiện, phương thức để nhãn hàng đưa các thông tin Marketing của mình đến người dùng. Các kênh này có thể là kênh 1 chiều (banner, poster quảng cáo, pano ngoài trời, TVC quảng cáo, bandroll) hoặc kênh tương tác 2 chiều (các mạng xã hội, forums, các Event tri ân khách hàng,...).

3 kênh được minh họa vô cùng dễ hiểu qua các biểu tượng này

Kênh Digital Marketing có 3 loại: Owned Media (kênh chính chủ), Paid Media (kênh trả phí) và Earned Media (kênh "hữu xạ tự nhiên hương"). Mỗi kênh Digital Marketing khi được sử dụng đều phụ thuộc vào chiến lược Marketing và điều kiện tài chính của doanh nghiệp. 

A. Kênh Paid Media

Cái tên đã nói lên tất cả bản chất của kênh này. Kênh chủ yếu dùng để quảng cáo. Kênh này sẽ bắt bạn bỏ tiền ra cho một số khoản sau: 

  • Pay per click: Bạn phải trả 1 khoản tiền nhất định để facebook hoặc Google giúp khách hàng tiếp cận và click vào link bài quảng cáo của bạn.
  • Display ads: Các đoạn quảng cáo chạy trên các màn hình lớn, pano ngoài trời, banner, poster, tờ rơi, bandroll, backdrop,…
  • Retargeting: Nghiên cứu thị trường, kiểm định lại phân khúc nhu cầu để tìm ra khách hàng mục tiêu vì thời gian, môi trường xung quanh thay đổi cũng dẫn đến thay đổi những nhu cầu của khách hàng.
  • Paid influencers: Khoản chi phí bỏ ra để trả cho những người nổi tiếng nói về sản phẩm của bạn.
  • Paid content promotion: Chi phí trả cho việc sáng tạo ra nội dung quảng cáo/truyền thông như là design, tạo thông điệp, tạo câu chuyện về sản phẩm,…
  • Social media ads: Những quảng cáo bạn hay thấy trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện như một đoạn quảng cáo trên fb, một banner trên một forum nào đó, mẩu quảng cáo rao vặt trên web,…

B. Kênh Owned Media

Là hệ thống trang thông tin của chính doanh nghiệp bạn tạo lập để thể hiện tất tần tật thông tin liên quan đến doanh nghiệp như thương hiệu, về con người và về bản sắc của doanh nghiệp.

  • Website: Website là kênh thông tin để quảng bá, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm, mô hình hoạt động của doanh nghiệp, cửa hàng đến với người tiêu dùng
  • Mobile site: Là phiên bản website của bạn có thể sử dụng trên thiết bị di động. Nên đầu tư cái này vì Mobile Marketing là đang và vẫn sẽ là xu hướng trong nhiều năm tới. 
  • Blog site: Blogspot, Wordpress,...
  • Social Media Channels: Các diễn đàn, tài khoản/trang mạng xã hội (facebook, Instagram, Twitter, Google+, Youtube,...)

C. Kênh Earned Media

Kênh này được tạo ra từ sự chia sẻ nội dung bạn tạo lập. Mục đích chính của kênh này là để lôi kéo sự chia sẻ của người dùng. Kênh này bao gồm:
  • Lượt được đề cập đến: thường là lượt nhắc đến tên nhãn hiệu, thông tin về sản phẩm, dịch vụ,...
  • Lượt share: lượt người dùng chia sẻ những bài đăng, những thông tin về bạn.
  • Lượt repost: lượt người dùng, cơ quan truyền thông (báo chí, trang tin, diễn đàn,...) đăng lại bài đăng của bạn.
  • Lượt review: lượt người tái hiện lại nội dung, thông tin, bài đăng của bạn.
Thường kênh này sẽ sử dụng hình thức promotion là tiếp thị nội dung. Tức là sản xuất ra những nội dung hữu ích cho khách hàng. Nội dung đó có thể "làm nóng" khách hàng, khiến họ không thể ngừng bàn tán về nó, khiến các trang tin khác phải repost, review, chia sẻ tự nguyện.


2. Chiến lược sử dụng kênh Paid Media


Kênh Paid Media thường sử dụng trong chiến dịch truyền thông để tăng độ phủ của thông điệp truyền thông về thương hiệu. Mục đích là đánh nhanh thắng nhanh tại một thời điểm nhất định. Lý do đơn giản vì chẳng doanh nghiệp nào đủ nguồn lực (tài chính, nhân sự) để chạy chiến dịch quảng cáo dài hơi đến thế. Chưa kể yếu tố quan trọng nhất làm nên sự uy tín của nhãn hàng với người dùng là chất lượng sản phẩm chứ không phải quảng cáo.

Paid Media khiến bạn phải chi nhiều khoản nhất

Và nếu doanh nghiệp của bạn mới thành lập, chưa có mấy tiếng tăm trên thị trường thì việc tập trung phát triển kênh này là một sự mạo hiểm và lãng phí không cần thiết. Các doanh nghiệp lớn, có tiếng tăm đổ tiền vào việc truyền thông thương hiệu bằng kênh này để nhắc người tiêu dùng phải luôn nhớ đến họ. Nếu bạn mới thành lập, đã ai biết đến đâu mà phải nhắc nhớ. Thậm chí người tiêu cùng có thể thấy phản cảm với bạn vì spam quá nhiều. 

Còn nếu đã xác định tốn tiền cho Paid Media thì nên chi tiền vào Retargeting (nghiên cứu thị trường) thật hợp lý. Tuy chi phí trả cho khoản này tốn nhất (siêu tốn) nhưng lại thu được những kết quả chính xác nhất và nhanh chóng nhất về thông tin người dùng. Dựa vào thông tin đó, bạn sẽ dễ dàng tìm ra Insight của người dùng hơn.


3. Chiến lược sử dụng kênh Owned Media và Earned Media


Doanh nghiệp nhỏ/mới thành lập nên tập trung thu hút khách hàng bằng hai kênh còn lại: Owned Media và Earned Media. 2 kênh này thuộc dạng các kênh sử dụng chiến lược đánh du kích, mưa dầm thấm lâu, đem lại hiệu quả về lâu dài và hầu như không tiêu tốn chi phí, chỉ tốn tâm sức.

Tốn tâm sức ở chỗ nội dung đầu tư phải có tác dụng chính là lôi kéo, thu hút khách hàng về phía mình chứ không phải nhồi nhét nội dung của mình vào đầu khách hàng như kiểu quảng cáo truyền thống. Ví dụ như hãy mua sản phẩm X của chúng tôi vì nó có công dụng A, B, C. Vấn đề là khách không có nhu cầu thì dù bạn quảng cáo ấn tượng đến đâu khách cũng không muốn tìm hiểu về bạn chứ đừng nói đến mua hàng.

Vậy bài toán ở đây là nội dung phải như thế nào để thu hút được người dùng? Chìa khóa là nó phải có ích cho người dùng. Mà người dùng là người nào? Họ xem nhiều nội dung có ích của mình thì có biết mình cung cấp sản phẩm/dịch vụ gì để giải quyết trăn trở của họ không? Cho nên, tóm lại, nội dung phải vừa có ích cho người dùng vừa phải để họ thấy mình có khả năng cung cấp giải pháp cho vấn đề của họ. Và đó chính là tiếp thị nội dung.

Công cụ sử dụng ở mỗi kênh khá giống nhau nhưng chi phí bỏ ra cho chúng là hoàn toàn khác nhau

Tiếp thị nội dung sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong chiến lược Marketing trên 2 kênh này. Bạn có thể đi một chuỗi bài trong 1 chủ đề nhất định và nhấn mạnh, làm rõ được từ khóa trọng tâm để những bài này dễ hiện top trong kết quả tìm kiếm. Nên nhớ nguyên tắc về kỹ thuật viết là phải chuẩn SEO và phải phát tán bài đăng ra nhiều trang khác nhau. Các mạng xã hội và các forums, website, blog là những công cụ đắc lực giúp ta đạt được mục đích này. Tất nhiên, thông điệp bạn chọn để truyền tải đến người dùng phải nhất quán, không thể ở mạng xã hội 1 đằng, website một nẻo. Cuối cùng, đừng quên đo lường lượt tiếp cận của người dùng với những nội dung bạn đã phát tán.

Chốt lại, một nội dung có thể lan tỏa là do sự hấp dẫn của chính nó, những thủ thuật như gắn ngòi chia sẻ hay áp dụng các concept truyền thông bất biến, để người nổi tiếng phát tán nó chỉ như là góp thêm chút gió cho cơn bão. Sản xuất nội dung tốt, kiên trì phát tán nội dung, đó là chiến lược nội dung để phát triển kênh Owned Media và kênh Earned Media của bạn. Sự phát triển đó bền vững.

Blog tiếp thị nội dung mong thông qua bài này, các bạn đã có thể hiểu được những điều cơ bản nhất về 3 kênh Digital Marketing. Chúc các bạn tìm được chiến lược phát triển các kênh Digital Marketing phù hợp.

- Blog Tiếp thị nội dung -